Khi chào đón bé yêu, ngoài việc chuẩn bị thật tốt các kiến thức về sức khỏe, dinh dưỡng và sự phát triển của con thì hàng ngày Ba Mẹ còn phải đối diện với rất nhiều những lo lắng cho sự an toàn của con trẻ.
Với đặc tính hiếu động của trẻ thì dù đã cố gắng hết sức để bảo vệ an toàn cho con nhưng đôi lúc các tai nạn không mong muốn vẫn có thể xảy ra.
Việc tốt nhất có thể làm được là chúng ta phải biết cần làm gì khi các tình huống này xảy ra trong cuộc sống hàng ngày. Việc này cần được chuẩn bị sẵn sàng và thật tốt bởi vì không ai biết khi nào thì các chuyện không hay sẽ xảy ra.
Ba mẹ cùng nhau tìm hiểu cách sơ cứu 6 tình huống này như thế nào nhé!
1. Cầm máu khi bị các vết thương hoặc vết cắt nhỏ
- Việc quan trọng đầu tiên là giúp cầm máu: đè 1 lực ép trực tiếp vào vết thương đang chảy máu với vải sạch, gạc, khăn, khăn giấy đến khi máu ngưng chảy.
- Nếu máu chảy nhiều thấm ướt ra ngoài gạc, khăn,…, hãy đặt thêm gạc, khăn mới lên trên và tiếp tục ép mạnh để cầm máu.
- Khi máu ngưng chảy, nhẹ nhàng rửa vết thương với nước và xà bông hay nước muối sinh lý.
- Đừng sử dụng Alcohol, Iodine hay Oxy già (Hydrogen peroxide)vì có thể làm vết thương bị tổn thương thêm
- Dùng gạc vô khuẩn băng vết thương lại để bảo vệ vết thương.
- Thay băng mỗi ngày để giữ vết thương khô sạch.
* Khi nào thì cần đi gặp Bác sĩ:
- Vết thương sâu hoặc mép vết thương nham nhở/ bị hở rộng
- Vết thương ở vùng mặt
- Vết thương có lẫn các dị vật, bụi cát… khó rửa sạch/ không lấy sạch dị vật được
- Vết thương có dấu hiệu nhiễm trùng: sưng, đỏ, đau, có nhầy mủ, rỉ dịch… hay nạn nhân có dấu hiệu bị sốt.
- Mất cảm giác/ có cảm giác tê quanh vết thương
- Có các vệt đỏ, sưng xung quanh vết thương
- Vết thương do động vật hay do người cắn
- Nạn nhân chưa tiêm ngừa uốn ván hay đã tiêm cách > 5 năm
* Gọi cấp cứu ngay nếu:
- Chảy máu nặng
- Nghi ngờ có xuất huyết nội
- Có vết thương vùng bụng hay ngực
- Chảy máu khó cầm sau 10 phút đè ép mạnh trực tiếp vào vết thương
- Máu chảy phun ra thành tia
2. Bỏng da
Bỏng là tổn thương xảy ra do tiếp xúc với nhiệt, hóa chất hay điện. Trong sinh hoạt hàng ngày bỏng thường xảy ra nhất khi 1 người tiếp xúc với bề mặt nóng, nước và các loại dịch nóng hay lửa
* Khi trẻ bị bỏng, cần:
- Di chuyển bé ra khỏi nguồn nhiệt
- Cởi bỏ quần áo hay đồ trang sức ở khu vực bị bỏng nhưng cũng không cố gắng lấy quầy áo hay đồ đạc đang dính chặt vào vết bỏng
- Làm mát chỗ bỏng dưới vòi nước lạnh, trong khoảng 10 phút
- Bảo vệ chỗ bỏng bằng gạc sạch hay vải mỏng
- Đến bệnh viện để được thăm khámvà chăm sóc bởi nhân viên y tế
3. Chấn thương đầu nhẹ/Trẻ bị u đầu
- Rửa sạch vùng bị tổn thương với nước sạch và xà bông
- Nếu tổn thương có chảy máu, dùng gạc sạch hay vải sạch đè 1 lực ép vào vết thương để chảy máu
- Chườm lạnh vết sưng: dùng túi chườm bọc trong khăn hay vải mỏng, chườm trong khoảng 20 phút. Có thể chườm lạnh lặp lại sau 1 tiếng để giảm sưng và đau.
- Có thể dùng giảm đau: Paracetamol/ Acetaminophen cho trẻ nếu cần
- Đi bác sĩ nếu cần
* Theo dõi trẻ sau chấn thương đầu:
- Quan sát kỹ, theo dõi trẻ trong ít nhất 2 giờ sau chấn thương, chú ý cử động, dáng đi và giọng nói của trẻ
- Để ý xem trẻ có hành động, hành vi gì bất thường không
- Chỉ cho trẻ uống nước lọc.
- Nếu sau 2 giờ trẻ không có biểu hiện gì bất thường, theo dõi thêm 24 giờ sau đó.
- Thảo luận với Bác sĩ để có kế hoạch theo dõi trẻ sau 24 giờ nếu cần
* Cần gọi cấp cứu hoặc đưa trẻ tới Bác Sĩ nếu:
- Trẻ < 2 tuổi
- Có triệu chứng đau vùng cổ
- Trẻ khóc liên tục khó dỗ
- Có vết thương lớn
- Nôn ói nhiều lần/ ói vọt
- Trẻ không khóc nhưng có chảy dịch từ tai hay mũi
- Trẻ nhìn mờ/ nhìn đôi
- Than đau đầu
- Trẻ té từ độ cao > 1m
- Mất trí nhớ/ nhầm lẫn/ có hành vi bất thường/ lừ đừ, li bì
- Có tiền căn chấn thương đầu
4. Sơ cứu chấn thương phần mềm và cố định xương gãy
- Trước hết cần đảm bảo an toàn cho mình, cho trẻ và người xung quanh
- Cầm máu nếu vết thương có chảy máu
- Băng lại các vết thương hở nếu có bằng gạc sạch
- Chườm lạnh vị trí tổn thương để giảm đau, chườm lạnh trong ít nhất 20 phút
- Hạn chế cử động nếu đau nhiều nơi bị tổn thương.
* Nẹp cố định trong trường hợp nghi ngờ gãy xương:
- Gãy xương là tình huống cần thiết phải được thăm khám và đánh giá, điều trị bởi bác sĩ.
- Tuy nhiên, việc sơ cứu đúng rất quan trọng. Cần cố định thật tốt xương gãy để tránh phần đầu xương gãy có thể làm tổn thương thêm cân cơ, mạch máu xung quanh.
- Sử dụng các vật liệu có sẵn để làm nẹp cố định: SAM Splint, khăn bông cuộn lại, tạp chí, bìa carton, thanh gỗ, cây dù…
- Nẹp cố định là cách giúp giảm đau và giảm các tổn thương thêm. Nẹp nên dài hơn tổn thương và dài qua 2 khớp để cố định và hỗ trợ tổn thương được tốt.
- Sau khi đã băng hoặc che phủ tổn thương nghi ngờ gãy xương với băng/gạc vô khuẩn hay vải sạch, cột cố định nẹp để hỗ trợ nơi tổn thương.
- Hạn chế cử động nơi đau, đưa nạn nhân tới bệnh viện hoặc chờ nhân viên cứu hộ tới hỗ trợ.
5. Hóc dị vật
Hóc dị vật là tình huống cấp cứu thực sự có thể xảy ra ở bất cứ nơi đâu và có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Nếu tắc nghẽn đường thở hoàn toàn không được sơ cứu kịp thời, nạn nhân có thể bị thiếu oxy và có thể tử vong hay tổn thương não không hồi phục.
Trong tình huống này phải thật bình tĩnh
* Đối với trẻ < 1 tuổi:
- Gọi giúp đỡ
- Tiến hành VỖ LƯNG – ẤN NGỰC:
- Cho trẻ nằm sấp, đầu thấp trên trục cánh tay. Dùng bàn tay hỗ trợ đầu và cổ trẻ.
- Dùng gót bàn tay vỗ vào lưng trẻ 5 lần, vị trí giữa 2 xương bả vai của trẻ.
- Nếu dị vật chưa ra, lật trẻ nằm ngửa lại, hỗ trợ đầu trẻ.
- Ấn ngực 5 cái vị trí giữa ngực ngay điểm ấn ngực khi CPR.
- Lặp lại 5 vỗ lưng và 5 ấn ngực cho đến khi dị vật bị đẩy ra hoặc trẻ có thể thở, khóc, ho, hay trở nên không đáp ứng.
- Nếu dị vật không ra và trẻ trở thành không đáp ứng là tiến hành CPR.
- Thực hành ngay tại đây: https://firstaid.1life.vn/lessons/di-vat-duong-tho-o-tre-duoi-1-tuoi/
* Đối với trẻ lớn > 1 tuổi và người lớn
- Gọi giúp đỡ
- Tiến hành THỦ THUẬT HEIMLICH
- Đứng vững hay quỳ gối phía sau nạn nhân. Vòng cánh tay qua eo nạn nhân.
- Nắm 1 nắm tay lại, đặt nắm tay phía mặt ngón cái vào vị trí giữa trên rốn và dưới xương ức
- Dùng bàn tay kia bọc nắm tay lại
- Ấn (kéo) thật mạnh vào bụng
- Tiếp tục ấn bụng cho đến khi dị vật bị đẩy ra và nạn nhân có thể thở, khóc, nói hay nạn nhân trở thành không đáp ứng
- Nếu dị vật không ra và trẻ trở thành không đáp ứng là tiến hành CPR.
- Thực hành ngay tại đây: https://firstaid.1life.vn/lessons/di-vat-duong-tho-o-nguoi-lon-va-tre-tren-1-tuoi/
Lưu ý: KHÔNG cố gắng móc dị vật ra bằng mọi cách và KHÔNG dốc đầu trẻ xuống.
Kỹ năng này rất quan trọng và cần phải được thực hành đúng cách vì vậy Ba Mẹ và những người chăm sóc trẻ nên tham gia các khóa học sơ cấp cứu để chắc chắn rằng mình biết làm gì khi có tình huống dị vật đường thở xảy ra
6. CPR - Hồi sức tim phổi
Có khá nhiều tình huống trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người lần cần được hồi sinh tim phổi (hô hấp nhân tạo). Đây là kỹ năng quan trọng, bởi vì trong các tình huống ngưng tim ngưng thở, mỗi giây trôi qua đều có thể tạo ra sự khác biệt để có thể cứu sống nạn nhân. Hãy tham gia học sơ cấp cứu hoặc tham khảo các hướng dẫn CPR để tự tin và sơ cứu đúng cách khi các tình hướng này không may xảy ra trong cuộc sống nhé.
* Thực hành ngay tại đây: https://firstaid.1life.vn/lessons/cpr-hoi-suc-tim-phoi/
* Nên nhớ: trước khi tiến hành sơ cứu cho trẻ, phải đảm bảo xung quanh an toàn cho bản thân mình, cho trẻ và những người xung quanh
Mong rằng càng nhiều người biết về kỹ năng sơ cấp cứu thì cộng đồng sẽ an toàn hơn.