Tết là dịp để gia đình sum họp, quây quần với những món ăn đậm chất ngày xuân. Tuy nhiên, để có thể tận hưởng trọn vẹn ngày Tết, mọi người đừng bỏ qua những lưu ý quan trọng trong ăn uống dịp Tết dưới đây.
Ngộ độc rượu
Thời điểm trước và sau Tết là thời điểm số ca ngộ độc rượu tăng đáng kể. Trong số những bệnh nhân ngộ độc rượu vào cấp cứu, không ít bệnh nhân quá nặng không thể qua khỏi. Nhất là những người uống phải rượu giả, rượu pha cồn công nghiệp.
Dấu hiệu ngộ độc rượu:
- Nôn mửa
- Đau bụng
- Phản ứng chậm
- Đi đứng xiêu vẹo
- Giảm khả năng nghe, nhìn, ngửi
- Ngoài ra: trí nhớ giảm sút, thiếu kiềm chế hoặc ngộ độc nặng có thể dẫn đến bất tỉnh, xanh tái, tử vong.
Phòng tránh:
- Không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng Methanol > 0,1% vì có thể gây mù mắt và tử vong; không uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ngày.
- Không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, bộ phận động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân.
- Không uống rượu khi: Không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng, khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị.
Ngộ độc thực phẩm
Ngày Tết, nhiều gia đình thường có thói quen tích trữ thực phẩm “ăn dần” hoặc được cho, tặng các thực phẩm ăn Tết. Do bảo quản không đúng cách khiến thực phẩm bị nhiễm khuẩn, nhiễm hóa chất do thực phẩm không rõ nguồn gốc, lưu trữ thức ăn lâu ngày làm thực phẩm bị biến chất hoặc trong bản thân thực phẩm có chứa chất độc… nên có nhiều nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm.
Dấu hiệu ngộ độc thực phẩm:
- Nôn ói
- Tiêu chảy. Tiêu chảy khiến cơ thể bị mất nước nhanh chóng nên rất nguy hiểm.
Phòng bệnh nên:
- Sử dụng thực phẩm tươi, sạch, bảo đảm an toàn vệ sinh.
- Nếu sử dụng các loại thực phẩm đóng gói, nên chọn cơ sở uy tín và tin cậy. Nên nấu lại đồ ăn đóng hộp trước khi ăn để đảm bảo vệ sinh.
- Nếu chỉ nôn ít và tiêu chảy dưới 6 lần trong ngày, có thể bù dịch bằng oresol, ăn những thức ăn nhẹ, lỏng, dễ tiêu như cháo, súp.
- Bệnh nhân mất nước nặng hay những bệnh nhân nôn nhiều, không uống được phải đến cơ sở y tế để truyền dịch.
Đầy bụng, khó tiêu, táo bón
Chứng đầy bụng, chướng bụng, khó tiêu, táo bón là vấn đề mà rất nhiều người mắc phải trong dịp Tết khi ăn uống quá nhiều, nhất là các món ăn chứa nhiều chất đạm và chất béo, ít chất xơ. Bên cạnh đó, các loại nước ngọt, nước khoáng có gas, bia rượu, các thực phẩm có mạch nha, đồ ăn có dấm, các loại dưa muối, nấm, phô mai… khiến bộ máy tiêu hóa bị quá tải và càng làm tình trạng đầy bụng nặng hơn.
Phòng tránh tốt nhất
- Ăn nhiều hoa quả, rau củ tươi giàu chất xơ…. Chất xơ có thể tìm thấy trong các loại rau, củ, quả, ngũ cốc nguyên hạt và các loại đậu.
- Ăn các loại củ, hạt, thức ăn chứa nhiều tinh bột như cơm gạo, ngô, khoai… và các loại canh rau củ; Ăn thêm sữa chua. Đây là loại men tiêu hóa tự nhiên rất tốt cho đường ruột, thúc đẩy nhu động ruột, cực kì hữu hiệu trong việc phòng tránh đầy bụng, táo bón.
- Uống nhiều nước, nhất là vào sáng sớm. Các chuyên gia y tế khuyến cáo mỗi người nên uống khoảng 2 – 2,5 lít nước/ngày. Mỗi sáng, sau khi thức dậy và trước khi ăn sáng, có thể uống 1 cốc nước to (nước lọc hoặc nước ấm pha chút mật ong) sẽ có tác dụng đẩy nhanh tiến trình tuần hoàn máu, thanh lọc cơ thể, làm sạch đường tiêu hóa.
- Duy trì thói quen đi đại tiện. Thói quen này rất dễ bị phá vỡ vào những ngày Tết và đây là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng táo bón.
Các bệnh về gan
Ngày Tết có thể mọi người sẽ uống nhiều rượu bia hơn bình thường vì phải tiếp khách, gặp gỡ người thân, bạn bè, cùng đó thói quen ăn vặt nhiều hơn với đa dạng loại thực phẩm như bánh kẹo, mứt ngọt hay các món ăn giàu mỡ, đạm sẽ làm tăng gánh nặng cho gan, dẫn đến mệt mỏi, uể oải.
Phòng tránh:
- Hạn chế uống bia rượu ngày Tết, nhất là các loại rượu nặng. Không nên vì cả nể hoặc ham vui mà quên mất bệnh tật của mình, nhất là những người có bệnh lý về gan.
- Đối với rượu vang hay bia, có thể dùng để khai vị nhưng không nên uống nhiều (tối đa 1 lon bia hoặc 1- 2 chén nhỏ rượu vang mỗi ngày), cũng không nên uống đều đặn tất cả các ngày.
- Khi uống nhiều rượu bia, gan phải làm việc quá sức, dẫn đến tổn thương tế bào gan, gây viêm gan… Nên ngủ đúng giờ, ngủ đủ giấc để tái tạo sức khỏe và phục hồi chức năng gan.
Cao huyết áp và đột quỵ
Trong dịp Tết, việc ăn uống, sinh hoạt thay đổi ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của con người, đặc biệt là những người có bệnh mạn tính như bệnh tăng huyết áp. Thậm chí không ít người không bổ sung đủ rau xanh, quả chín và nước khiến chế độ ăn mất cân bằng, gây ra nhiều hệ lụy với sức khỏe, nhất là với người có bệnh mạn tính như tăng huyết áp.
Phòng bệnh cần
- Hạn chế món ăn chế biến sẵn bởi đây là những thực phẩm có nhiều muối như giò lụa, giò thủ, lạp xưởng, khô bò, khô mực, tôm khô, dưa muối, dưa món, củ cải ngâm nước mắm, kim chi… Hạn chế đồ uống có cồn như rượu, bia. Kiểm soát cân nặng.
- Hạn chế các đồ uống có gas , nên thay bằng các nước ép trái cây.
- Ngoài chế độ ăn uống, người bị cao huyết áp cần có một chế độ sinh hoạt ăn ngủ điều độ, tránh thức khuya. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm như thức ăn thừa phải để trong tủ lạnh, đồ tươi sống cần được cấp đông. Đặc biệt người có bệnh tăng huyết áp cần nhớ uống thuốc đều đặn theo chỉ định của bác sĩ và kiểm tra sức khỏe thường xuyên bằng máy đo huyết áp.
Bệnh đái tháo đường
Với những người mắc bệnh tiểu đường, chế độ ăn ngày Tết nhiều chất đạm, cộng thêm rượu bia và nước ngọt rất dễ khiến lượng đường trong máu tăng cao đột biến.
Dấu hiệu hạ đường huyết (run rẩy, chóng mặt, hoa mắt, vã mồ hôi, da tái nhợt, nhức đầu)…, rất dễ bị nhầm với các triệu chứng của bệnh khác. Đối với bệnh nhân tiểu đường, nếu không đo được đường huyết lúc đó, thì cần xử trí nhanh như với hạ đường huyết bằng cách ăn một cái kẹo/bánh hoặc uống nước đường.
Để phòng bệnh trong những ngày Tết, người bị tiểu đường cần:
- Tránh sử dụng các loại thực phẩm chứa nhiều đạm, các loại gia vị, đồ uống có ga, rượu bia, chất kích thích…
- Không sử dụng các thức ăn nhanh, thức ăn chế biến sẵn như: đồ hộp như xúc xích, mì gói, gà rán….
- Tuân thủ chế độ ăn đúng bữa, luyện tập nhẹ nhàng uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, thường xuyên kiểm tra đường huyết tại nhà để kịp thời xử lý.
- Không nên uống rượu và thuốc hạ đường huyết cùng lúc. Nếu có dùng một số loại thuốc đặc biệt theo yêu cầu của bác sĩ, phải ngừng uống rượu hoàn toàn.
Nguồn: Tổng hợp